Brands
Search
Search

THƯƠNG HIỆU MỜ NHẠT THÌ KHÓ CẠNH TRANH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP?

Mục lục

 Nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức xây dựng chiến lược nhận diện, quản trị thương hiệu hiệu quả dẫn đến nhiều hạn chế trong cạnh tranh phát triển.

Thương hiệu giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, phân biệt các sản phẩm khác nhau. Thương hiệu của doanh nghiệp càng tạo được dấu ấn trong lòng khách hàng thì hiệu quả kinh doanh càng cao. Nhưng hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có ý thức xây dựng chiến lược nhận diện, quản trị thương hiệu dẫn đến nhiều hạn chế trong cạnh tranh, nhiều người Việt quay lưng lại với các sản phẩm của chính doanh nghiệp trong nước, ưu tiên hơn cho các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài.

Thương hiệu cần tạo ra dấu ấn

Bà Đặng Thanh Vân, Giám đốc điều hành Công ty Thanhs cho rằng, thương hiệu là tất cả những gì có trong đầu của khách hàng hiện tại và tiềm năng, khi họ nghĩ đến một công ty, sản phẩm hoặc một cá nhân. Chiến lược thương hiệu của mỗi doanh nghiệp cần làm là biến một sản phẩm, dịch vụ, hay một tên gọi (của tổ chức) trở thành một “dấu ấn” độc quyền, khác biệt, cảm xúc trong tâm trí khách hàng và công chúng.

“Thương hiệu giúp người tiêu dùng trung thành lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp trước sự đa dạng của sản phẩm như hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ dành cho các công ty lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn phát triển thành công thì phải đặt việc phát triển thương hiệu lên ưu tiên hàng đầu”, bà Vân khuyến cáo.

thuong hieu mo nhat khien doanh nghiep kho thanh cong hinh 1
Thương hiệu của mỗi doanh nghiệp cần được nhận diện đúng trên thương trường và trong tâm trí người tiêu dùng.

Đồng quan điểm này, ông Trần Anh Tuấn, phụ trách lĩnh vực thiết kế và phát triển sản phẩm Công ty MesLab, cho rằng một thương hiệu có ấn tượng, uy tín với khách hàng là thương hiệu phải lấy khách hàng làm trung tâm. Doanh nghiệp phải nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, chi phí của khách hàng ở mức nào… từ đó mới đưa ra được sản phẩm cũng như dịch vụ phù hợp.

“Người làm thương hiệu không nên nghĩ sản phẩm mới, thương hiệu mới phải hoành tráng, phức tạp… nhiều khi thương hiệu vẫn thành công từ những thứ rất nhỏ, đơn giản nhưng lại được thị trường chấp nhận, đó chính là thành công của phương pháp nhận diện thương hiệu”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Phạm Tùng, Giám đốc sáng tạo Công ty Forest Jump Creative Studio, doanh nghiệp chuyên về thiết kế thương hiệu cho biết, việc nhận diện thương hiệu không chỉ đơn thuần là hình ảnh logo mà mở rộng ra cả hệ thống âm thanh, hệ thống biển bảng, hệ thống bán hàng, hệ thống đối ngoại của thương hiệu…

“Khi có bộ nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp sẽ mang lại tâm lý tự tin cho doanh nghiệp, sản phẩm dễ gây ấn tượng với đối tác, khách hàng từ đó tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp thông qua việc tối ưu bộ nhận diện thương hiệu. Thương hiệu tốt tác động tới quyết định mua sản phẩm của khách hàng; tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm của doanh nghiệp”, ông Tùng chia sẻ.

Theo khuyến cáo của ông Tùng, bao bì sản phẩm có thiết kế chuyên nghiệp là yếu tố quan trong quyết định sức mua của thị trường. Cùng với đó cũng cần hết sức lưu ý đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, bằng việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, mua tên miền website tránh sự copy của đối thủ.

Cách thức cung ứng sản phẩm là điểm nhấn

Có thể thấy, xây dựng chiến lược nhận diện và quản trị thương hiệu là việc làm rất quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thương hiệu của cộng đồng doanh nghiệp hiện rất nhiều khó khăn đến từ áp lực cạnh tranh lớn; nguồn vốn hạn hẹp, công tác quản trị doanh nghiệp còn yếu…

Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand Việt Nam, hiện đã có những bộ công cụ giúp doanh nghiệp định hướng được ý tưởng truyền thông dài hạn cho doanh nghiệp. Chiến lược nhận diện thương hiệu sẽ được các doanh nghiệp tự xây dựng sát với đối tượng khách hàng mục tiêu, phù hợp với hoạt động nội bộ doanh nghiệp hơn và nâng cao được năng lực của chính đội ngũ marketing của doanh nghiệp với những kiến thức chuẩn.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, Trường Đại học Thương mại, để tạo ra những yếu tố nhận diện hoàn chỉnh như tên thương hiệu, logo, khẩu hiệu (slogan)…, doanh nghiệp thường cần không nhiều thời gian và công sức, nhưng để có được những hình ảnh, ấn tượng, những cảm nhận và nhận định tốt đẹp về sản phẩm và doanh nghiệp, đôi khi cần cả cuộc đời của doanh nhân.

“Mỗi ngành hàng có rất nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh khác nhau về quy mô, năng lực cũng như nhận thức; sản phẩm và hoạt động của mỗi cơ sở đều tác động nhất định đến thương hiệu chung của ngành hàng. Vì thế, vấn đề quy chuẩn đối với sản phẩm và cách thức hoạt động trong ngành hàng là cực kỳ cần thiết và là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công thương hiệu ngành hàng”, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh lưu ý.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, chiến lược thương hiệu về thực chất là tập hợp những định hướng dài hạn để phát triển một thương hiệu; những biện pháp để có thể huy động tối đa các nguồn lực, nhằm thực hiện các định hướng phát triển thương hiệu dựa trên những thấu hiểu về các tình thế thị trường, marketing có liên quan.

Do đó, để phát triển các giá trị cảm nhận thương hiệu, điều quan trọng là doanh nghiệp phải quản lý được chất lượng sản phẩm cung ứng, dựa trên khả năng đáp ứng nhu cầu thường xuyên thay đổi, nghĩa là nắm bắt được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng để từ đó không ngừng duy trì, điều chỉnh và nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Khách hàng quan tâm đến lợi ích và những giá trị mà họ có được khi tiêu dùng sản phẩm, không chỉ quan tâm đến công dụng và thành phần cấu tạo của chúng. Quản trị thương hiệu nên tìm cách tốt nhất để cho khách hàng thấy được những giá trị và lợi ích mà thương hiệu và sản phẩm mang lại. Một sản phẩm tốt chưa đủ, mà cần cách thức cung ứng sản phẩm thuận tiện nhất, có văn hoá, tôn trọng khách hàng, tôn trọng cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh chỉ rõ.

Nguồn: sưu tầm