Brands
Search
Search

Những vấn đề về tiếp thị số

Mục lục

Trong bối cảnh có quá nhiều dữ liệu truy cập được dễ dàng qua Internet, người mua sắm tiềm năng ngày càng đòi hỏi cao hơn về quyền được tiếp cận thông tin chính xác về sản phẩm hoặc dịch vụ doanh nghiệp đang cố gắng bán.

Bán hàng truyền thống và bán hàng thương mại điện tử dù có khác nhau vẫn cần sự tiếp thị và ở điểm này chúng vẫn gặp nhau ở một điểm: tiếp thị nội dung là chiếc chìa khóa thiết lập mối quan hệ bền chặt hơn với khách hàng.

“Nội dung là vua” là quan điểm nổi tiếng trong lĩnh vực tiếp thị. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng sành về công nghệ và có nhu cầu tiêu dùng cao hơn, quan điểm này càng tỏ ra chính xác. Doanh nghiệp giờ đây cần phải tăng cường nỗ lực tiếp thị tập trung vào nội dung để thu hút, gắn kết và thuyết phục khách hàng tiềm năng chi tiêu.

Nội dung tốt dẫn dắt quyết định mua hàng

Nội dung đang và sẽ luôn là “trái tim” của tiếp thị. Đây thực sự là phương thức hiệu quả để nhà bán hàng kết nối với người tiêu dùng, giúp thương hiệu được biết đến nhiều và xây dựng lòng tin của khách hàng. Một số chuyên gia dự báo ngày càng có nhiều công ty bắt tay với nhà tiếp thị nội dung trong nỗ lực theo kịp tốc độ phát triển nhanh của thế giới số trong những năm tới.

17348Content 1545667972

Tiếp thị nội dung là một chiến lược tiếp thị hiệu quả tập trung vào phát triển và phân phối nội dung phù hợp, có liên quan và có giá trị để thu hút và giữ chân khách hàng tiềm năng và người xem mục tiêu. Cách tiếp cận chiến lược này được tiến hành để thúc đẩy những hành động mang lại lợi nhuận từ khách hàng về lâu dài. Phương thức này đòi hỏi phải thiết lập một mục tiêu rõ ràng, quyết định “sự di chuyển” của nội dung và làm thế đưa nó đến gần hơn các chiến lược tiếp thị kỹ thuật số của doanh nghiệp.

Tiếp thị nội dung đang đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng. Một cuộc khảo sát gần đây của công ty GfK Roper Public Affairs & Media, cho thấy gần 80% số người tiêu dùng muốn biết thêm thông tin về một sản phẩm muốn mua thông qua các bài viết hơn là những phương pháp quảng cáo truyền thống. Cũng theo khảo sát, khoảng 70% số người tiêu dùng tin rằng nội dung khiến họ cảm thấy gần gũi hơn với công ty và giúp họ đưa ra quyết định mua sắm tốt hơn.

Trong bối cảnh có quá nhiều dữ liệu truy cập được trên Internet, người mua sắm tiềm tàng ngày càng đòi hỏi về việc tiếp cận được thông tin tốt (chính xác chứ không phải thông tin thổi phồng) về sản phẩm hoặc dịch vụ doanh nghiệp đang cố gắng bán. Họ hiện xem xét nhiều chi tiết nhất có thể trước khi quyết định mua hàng, như so sánh giá cả, đọc các đánh giá, nghiên cứu các sản phẩm khác nhau và so sánh các tính năng… Nội dung tốt quan trọng đối với người tiêu dùng vì nó giúp họ đưa ra quyết định hợp lý. Họ sẽ phản hồi nhanh hơn khi có thể truy cập nội dung tốt và chứa nhiều thông tin. Nếu không thuyết phục được họ, bạn sẽ mất đi khách hàng tiềm năng.

Hầu hết người tiêu dùng đang tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ bằng cách sử dụng công cụ tìm kiếm. Để bảo đảm khách hàng tiềm năng tiếp cận được doanh nghiệp, điều quan trọng là họ phải có mặt khi được tìm kiếm trên mạng.

Gần 80% số người tiêu dùng muốn biết thêm thông tin về một sản phẩm muốn mua thông qua các bài viết hơn là những phương pháp quảng cáo truyền thống.

Các doanh nghiệp sử dụng tiếp thị nội dung cũng thường tính đến chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO).

Mặt khác, các công cụ tìm kiếm có khuynh hướng cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng. Họ không ngừng cập nhật các thuật toán để nâng cao chất lượng kết quả được hiển thị sau mỗi lần tìm kiếm.

Cái khó ở đây là đa số người tiêu dùng không xem đến trang thứ hai của danh sách kết quả tìm kiếm trên mạng.

Nếu nội dung của doanh nghiệp thất bại, toàn bộ chiến lược tiếp thị nội dung cũng sẽ tan thành mây khối. Vì thế, với doanh nghiệp, nội dung tốt, hấp dẫn, thân thiện với người lướt web và chiến lược SEO mạnh mẽ cần phải đi đôi với nhau.

Với doanh nghiệp, nội dung hấp dẫn còn là chìa khóa thiết lập mối quan hệ bền chặt hơn với khách hàng. Công ty có thể thu hút lưu lượng truy cập không nhỏ đến website mình thông qua nội dung hấp dẫn trên các nền tảng truyền thông xã hội, thư mục web và các trang web khác. Điều này giúp tăng xếp hạng của họ trên các công cụ tìm kiếm.

Quan trọng không kém, nó cũng mang lại cho người xem cơ hội chia sẻ nội dung của doanh nghiệp trên các nền tảng trực tuyến của họ.

4 bước giúp phát triển nội dung mạnh mẽ

Tóm lại, tiếp thị nội dung đóng vai trò quan trọng đối với thành công của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nắm trong tay nội dung chất lượng cao chắc chắn lôi kéo nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ khi ngày càng có nhiều cửa hàng truyền thống mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực trực tuyến. Đây là bước đi dễ hiểu bởi doanh số thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu dự kiến đạt 4.500 ngàn tỉ đô la vào năm 2021.

17348Content 1545668089

Tuy nhiên, các thương hiệu muốn tiến hành sự mở rộng nói trên trước hết cần xem xét sự khác biệt giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử rồi thực hiện triển khai quy trình bốn bước SMEA (viết tắt của Setup, Manage, Enrich, Audit). Trước hết, Setup (thiết lập) là bước đầu tiên liên quan đến việc các thương hiệu đưa hàng lên mạng để người mua có thể mua chúng trên các trang của nhà bán lẻ, như Amazon, Walmart, Target… Kế đến là Manage (quản lý) – các thương hiệu cần phải quản lý nội dung sản phẩm nhất quán, thu xếp tất cả ở một nơi và cập nhật trên trang web của nhà bán lẻ cũng như trên trang web của riêng họ. Còn Enrich (làm phong phú) – nếu thương hiệu chưa có nội dung sản phẩm phong phú, như video và chế độ xem 360 độ các mặt hàng, họ cần tạo chúng để tối đa hóa thành công nội dung sản phẩm. Và Audit (kiểm tra) – khi nội dung đã sẵn sàng, các thương hiệu cần theo dõi nội dung cập nhật trên các trang web nhà bán lẻ và đảm bảo mọi thứ đúng như dự tính.

1 . Thiết lập sản phẩm

Quá trình này trước đây thường được tiến hành thủ công và thông qua các mẫu và biểu mẫu bảng tính khác nhau.

Quá trình này tốn thời gian và tài nguyên, chưa kể đến nguy cơ mắc lỗi khi sao chép dữ liệu từ các hệ thống chuỗi cung ứng, hệ thống quản lý thông tin sản phẩm (PIM) và các kho dữ liệu khác đến bảng tính của nhà bán lẻ.

May mắn là đang có sẵn các công cụ mới giúp quá trình thu thập dữ liệu thiết lập sản phẩm và gửi chúng đến nhiều nhà bán lẻ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Các hệ thống mới này có thể tích hợp với chuỗi cung ứng hiện có, các giải pháp PIM và quản lý tài sản số (DAM), hoặc thay thế chúng hoàn toàn. Trong nỗ lực đưa sản phẩm của mình lên mạng nhanh hơn, nhiều nhà cung cấp đang tận dụng các công cụ phần mềm và tự động hóa để hoàn thành công việc hiệu quả hơn.

17348Content 1545668230

2. Quản lý nội dung

Để hỗ trợ việc chuyển sang tự động hóa, các công cụ mới đã ra đời, tập hợp các chức năng thiết lập sản phẩm, quản lý nội dung, tái bản nội dung (trên trang web của bên thứ 3), quản lý tài sản số vào một nơi. Nhiều công cụ quản lý nội dung trước đây cũng có tính năng tập hợp nội dung vào một chỗ nhưng không phân phối nội dung đó đến các nhà bán lẻ. Kết quả là các doanh nghiệp đầu tư nhiều thời gian và công sức để đưa nội dung của họ vào một hệ thống PIM để rồi phát hiện họ không có cách nào để lấy chúng ra. Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các hệ thống PIM hiện đại được thiết kế để không chỉ tập hợp nội dung mà còn phân phối chúng đến nhà bán lẻ.

Không dừng lại ở đó, các nhà cung cấp cũng phải bảo đảm rằng nội dung của mình tuân thủ các yêu cầu của nhà bán lẻ, nếu không sẽ bị từ chối. Chẳng hạn các nhà bán lẻ có những đòi hỏi khác nhau về kích thước/độ phân giải ảnh, loại tập tin, số lượng thông tin dạng văn bản… Nếu không có phần mềm phù hợp, nhà cung cấp cần thực hiện nhiều công việc thủ công, như kiểm tra từng hình ảnh để đảm bảo đáp ứng yêu cầu kích thước hình ảnh tối thiểu hoặc chuyển đổi hình ảnh từ định dạng này sang định dạng khác trước khi gửi. Tin tốt là các hệ thống PIM hiện đại giúp nhà cung cấp tiết kiệm công sức bằng cách nhận nội dung từ nhiều nguồn và tự động phân phối nội dung đó đến các nhà bán lẻ.

3. Làm phong phú nội dung sản phẩm

Các nhà cung cấp gần đây bắt đầu quan tâm nhiều đến việc làm phong phú nội dung sản phẩm trên phạm vi rất rộng. Điều này xuất phát từ thực tế là ngày càng có nhiều người bắt đầu lên mạng mua hàng và các nhà cung cấp muốn mang đến cho họ trải nghiệm số tốt nhất có thể. Điều này đồng nghĩa họ cần tối ưu hóa nội dung sản phẩm cho kết quả tìm kiếm và mục tiêu thuyết phục người lướt web chi tiêu. Để làm như vậy, họ cần sự kết hợp đúng đắn giữa tên và mô tả sản phẩm được tối ưu hóa tìm kiếm, kết hợp với nhiều hình ảnh độ phân giải cao, video, đa truyền thông tương tác, bài viết đánh giá…

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các hệ thống PIM hiện đại được thiết kế để không chỉ tập hợp nội dung mà còn phân phối chúng đến nhà bán lẻ.

Trước đây, đa truyền thông tương tác được sử dụng thường xuyên nhất trong trong một số danh mục hàng hóa, như hàng điện tử. Gần đây, các nhà cung cấp nhiều danh mục sản phẩm khác cũng bắt đầu tận dụng công nghệ này để làm phong phú nội dung sản phẩm. Chẳng hạn như hãng PepsiCo đã cải thiện nội dung nội dung tiếp thị trên Walmart.com cho dòng sản phẩm nước khoáng có gas mới mang tên Bubly. Do dòng sản phẩm này còn mới nên nội dung phong phú tỏ ra đặc biệt hữu ích trong việc cung cấp cho người mua sắm thêm thông tin về nó.

4. Kiểm tra trang web

Đây là quá trình xác thực rằng nội dung đã xuất hiện trên trang web nhà bán lẻ. Các nhà bán lẻ hiện chấp nhận nội dung từ nhiều nguồn (nguồn nội bộ, các nhóm viết nội dung quảng cáo…). Để giải quyết vấn đề này, các nhà bán lẻ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác định nên ưu tiên hiển thị nội dung nào. Một số công ty ấn định mức độ ưu tiên cụ thể cho từng nguồn nội dung trong khi một số khác đẩy nội dung nhận được gần nhất lên trang web.

Do những yếu tố này, điều quan trọng là các nhà cung cấp phải kiểm tra nội dung phân phối đến từng nhà bán lẻ.

Công việc này diễn ra hàng ngày và sẽ tốn nhiều thời gian, công sức nếu làm thủ công. Đó là lý do việc lựa chọn một nền tảng phần mềm tích hợp tính năng kiểm tra là điều bắt buộc. Các nền tảng hàng đầu hiện gồm các công cụ tự động hóa, trong đó có những công cụ so sánh trực quan.

Nhiều công ty nhận thấy hướng tiếp cận 4 bước SMEA mang đến kết quả tốt nhất khi phân phối nội dung số ở quy mô lớn. Nếu không có các công cụ phù hợp, nhà cung cấp có nguy cơ bị quá tải bởi một số lượng lớn hệ thống, mẫu và trang sản phẩm. Tuy nhiên, với các công cụ phù hợp, họ có thể hợp lý hóa luồng công việc để thay vì tốn thời gian quản lý một quy trình rườm rà, họ có thể đầu tư thời gian này vào việc phát triển nội dung ấn tượng, có thể thu hút người mua sắm.

Minh Huy
* Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Minh Phương- ATP Software