Với tình trạng hiện nay với rất nhiều quán cafe và quán trà sữa được mở ra dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu hay còn được biết là franchise. Vậy franchise là gì và tại sao mọi người hiện nay lại đang khá ưa chuộng hình thức kinh doanh này?
Franchise – Nhượng quyền thương hiệu là gì?
Nhượng quyền thương hiệu là hình thức kinh doanh mà một cá nhân hoặc một tổ chức nào đó được sử dụng thương hiệu/ tên của sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định để kinh doanh trong một thời gian nhất định với một ràng buộc tài chính nhất định có thể là một khoản chi phí hoặc là chia theo phần trăm doanh thu, lợi nhuận của cửa hàng.
Chí phí nhượng quyền thương hiệu
Các hiệu trà sữa hiện nay đang ưu tiên việc nhượng quyền thương hiệu để dễ dàng tạo độ phủ cho nhãn hiệu của mình, nhưng chi phí nhượng quyền thì thông thường không rẻ.
Ví dụ: Cửa hàng trà sữa TC
- Phí nhượng quyền: 160 – 300 triệu đồng/3 năm tùy từng khu vực theo chiến lược hoạt động của TC .
Cụ thể:
- 160 triệu đồng/3 năm cho khu vực tỉnh
- 200 triệu đồng/3 năm cho TPHCM, Đà Nẵng, Nha trang, Huế, Hội An, Hải Phòng, Cần Thơ
- 300 triệu đồng/3 năm cho khu vực Hà Nội
- Phí giám sát tư vấn: 30 triệu đồng/năm
- Chi phí nguyên liệu (bắt buộc lấy của TC ): Đơn hàng đầu tiên ở mức 195 triệu đồng (chưa gồm VAT). Các đơn hàng tiếp theo đại lý tự lên tùy tình hình kinh doanh.
- Chi phí máy móc, thiết bị, phần mềm (máy pha chế, máy dự trữ nguyên liệu, phần mềm quản lý bán hàng…): 130 triệu đồng
- Các khoản chi phí khác và chi phí nhân công tương tự như trên.
Chi phí của nhượng quyền một quán trà sữa không hề rẻ, vậy lí do gì mọi người đang ùn ùn ký vào những hợp đồng nhượng quyền? Và nhượng quyền có bao nhiêu loại?
Tại sao cần phải nhượng quyền thương hiệu?
Nhượng quyền thương hiệu là một trong những hình thức có thể giúp mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng với chi phí và rủi ro thấp nhất. Chi phí để mở một cửa hàng mới hoàn toàn là rất lớn, nhưng nếu quyết định nhượng quyền thì chi phí này sẽ được san sẻ với bên đối tác và công ty.
Hơn nữa khi nhượng quyền, nhất là các thương hiệu lớn nước ngoài. Điều này mang đến tình huống win – win cho các chủ nhượng quyền và các doanh nghiệp nhận nhượng quyền. Tiếng tăm của các chủ nhượng quyền đem lại khách hàng, và các bên nhận nhượng quyền sẽ giúp bên cung cấp nhượng quyền tiếp cận thêm nhiều khách hàng ở các thị trường khác dễ dàng hơn.
Các loại nhượng quyền thương hiệu:
1. Nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện (full business format franchise)
Nhượng quyền kinh doanh toàn diện là hình thức nhượng quyền “trọn gói”. Bên nhận nhượng quyền sẽ có các hợp đồng ký thời hạn từ 5 đến 30 năm tùy theo tiềm lực công ty và chi phí có thể bỏ ra.
Khi nhượng quyền kinh doanh toàn diện, bên cung cấp nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận nhượng quyền nhận 4 mảng chính trong kinh doanh của mình đó là:
- Hệ thống (chiến lược, mô hình, quy trình vận hàng được chuẩn hóa, chính sách quản lý, cẩm nang điều hành, huấn luyện, tư vấn & hỗ trợ khai trương, kiểm soát, hỗ trợ tiếp thị, quảng cáo)
- Bí quyết công nghệ sản xuất/kinh doanh
- Hệ thống thương hiệu
- Sản phẩm/dịch vụ.
Thông thường khi thực hiện hình thức nhượng quyền này thì bên nhận nhượng quyền sẽ chịu 2 khoản phí cơ bản là phí hoạt động và phí nhượng quyền ban đầu. Thông thường bên nhượng quyền sẽ giúp bên nhận nhượng quyền trong chi phí thiết kế & trang trí cửa hàng, mua trang thiết bị, chi phí tiếp thị, quảng cáo, các khoản chênh lệch do mua nguyên vật liệu, hay chi phí tư vấn.
2. Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện (non-business format franchise)
Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện có thể hiểu ngắn gọn là nhượng quyền một mảng nào đó của bên nhượng quyền. Ví dụ như nhượng quyền sản phẩm, nhượng quyền công thức và tiếp thị, cung cấp quyền sử dụng hình ảnh thương hiệu.
Khi thực hiện hình thức nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện thì bên nhượng quyền không giám sát và can thiệp quá nhiều trong khâu vận hành cũng như sản xuất của bên nhận nhượng quyền.
Mục đích của hình thức này là bên nhượng quyền muốn tạo độ phủ của thương hiệu trên thị trường, tăng doanh thu, và tạo ra khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
3. Nhượng quyền có tham gia quản lý (management franchise)
Hình thức nhượng quyền có tham gia quản lý, hình thức này thường được áp dụng tại các chuỗi F&B lớn hay các chuỗi nhà hàng – khách sạn. Ngoài việc cung cấp hình thức kinh doanh và thương hiệu thì bên nhượng quyền đồng thời cũng cung cấp người quản lý và điều hành cho bên nhận nhượng quyền nhằm giúp việc giám sát cũng như vận hành kinh doanh dễ dàng hơn.
4. Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn (equity franchise)
Ngoài việc nhượng quyền thương hiệu cho bên nhận nhượng quyền, bên nhượng quyền cũng sẽ đầu tư một số nhỏ tiền vào công ty nhận nhượng quyền. Điều này giúp bên nhượng quyền có tiếng nói trong việc kinh doanh của bên nhận nhượng quyền, tìm hiểu được thêm về thị trường mình mới thâm nhập.
Những ưu/ nhược điểm của nhượng quyền thương hiệu
Hiện nay tại Việt Nam phổ biến nhất vẫn là nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện, vậy hình thức này có những ưu và nhược điểm gì?
Ưu điểm
- Giảm thiểu rủi ro thương hiệu
Thông thường các thương hiệu muốn nhượng quyền thì họ đã có sẵn một thị phần khá rõ ràng trên thị trường. Lúc đó nhượng quyền mới có giá trị, và vì điều này nên các bên nhận nhượng quyền sẽ không cần tốn thời gian định hình thương hiệu trên thị trường nữa. Mà thay vào đó chỉ tập trung vào việc vận hành kinh doanh sao cho tốt.
- Chất lượng được đảm bảo
Các hệ thống chuỗi cửa hàng nhượng quyền thường được giám sát rất chặt chẽ về mặt chất lượng, bộ phận quản lý nhượng quyền luôn cố gắng để chất lượng các chi nhánh được đồng đều. Vì chỉ cần một mắt xích lỏng, có thể gây thiệt hại đến cả chuỗi nhượng quyền của thương hiệu.
- Hệ thống hóa quy trình
Các quy trình từ vận hành kinh doanh, thiết lập quán trà sữa, thuê mướn nhân viên đều sẽ được hệ thống hóa. Có một sườn nhất định hoặc sẽ được chủ thương hiệu phân bổ xuống từng cơ sở nhận nhượng quyền. Điều này nhằm làm mọi việc dễ quản lý cũng như rõ ràng hơn khi gặp rắc rối.
- Hỗ trợ tối đa từ chủ nhượng quyền
Chủ nhượng quyền có nghĩa vụ phải hỗ trợ tối đa các bên nhận nhượng quyền từ việc pháp lý, bày trí, và marketing. Điều này làm bên nhận nhượng quyền dễ thở hơn trong việc quản lý và vận hành quán.
- Đào tạo bài bản
Tất cả nhân viên, và các bên nhận nhượng quyền sẽ được đào tạo từ A-Z các điều cần biết về thương hiệu, mọi thứ được trình bày bài bản và chuyên nghiệp.
Nhược điểm
- Không sở hữu hoàn toàn thương hiệu
Nếu các bên nhận nhượng quyền quyết định mở kinh doanh theo phương thức này, thì cần nằm lòng một điều rằng là bạn không sỡ hữu thương hiệu này. Bạn chỉ đang được phép kinh doanh dưới tên thương hiệu của người khác. Cho nên nếu các bên nhận thương hiệu không đáp ứng được yêu cầu của bên chủ nhượng quyền thì rủi ro mất hợp đồng nhượng quyền là rất cao và mọi thứ có thể trở nên công cốc.
- Rủi ro kinh doanh chuỗi
Nhất là trong những hệ thống nhượng quyền lớn, các bên nhận nhượng quyền sẽ như ngồi trên đống lửa khi 1 mắt xích trong chuỗi cửa hàng bị dính “phốt” như là nguyên liệu không nguồn gốc, nhân viên không tốt.. Điều này sẽ làm các khách hàng đánh giá tình hình của cả chuỗi mà không cần biết các chi nhánh nhượng quyền khác hay giống nhau.
- Cạnh tranh trong chuỗi
Tình trạng cạnh tranh trong chuỗi là có chứ không phải là không, nhất là tại các cửa hàng gần nhau. Cạnh tranh nhằm đạt được target doanh thu mà chủ nhượng quyền đề ra cho các cửa hàng, thông thường các cửa hàng sẽ được bonus hay giảm chi phí hợp đồng nếu đạt được những mục tiêu nhất định.
- Thiếu sáng tạo
Khi nhận nhượng quyền thương hiệu, gần như mọi thứ đều được định sẵn cho các bên nhận thương hiệu và có khuôn khổ. Các chính sách đều được đưa xuống từ bên chủ thương hiệu nên gần như việc sáng tạo trong vận hành kinh doanh là không có.
Cần chuẩn bị những gì khi nhượng quyền thương hiệu?
- Vốn
Đầu tiên khi làm bất cứ việc gì thì là tiền đâu, các bạn có thể thấy chi phí nhượng quyền thương hiệu đã được liệt kê ở trên là không hề rẻ. Và chi phí để duy trì hợp đồng mỗi tháng cũng không ít, nên các bên nhận nhượng quyền nên tính toán thật kỹ càng về chi phí cố định hàng tháng nhất là trong thời gian đầu để tránh được tối thiểu các rủi ro có thể xảy ra.
- Nghiên cứu thị trường nhằm lựa chọn thương hiệu thích hợp
Trước khi làm bên nhận nhượng quyền, các bên nhận nên tìm hiểu thật kỹ thị trường mà mình đnag hướng đến, liệu thương hiệu mình đang nhắm đến còn đủ “hot” hay xứng đáng với số tiền mình sắp phải bỏ ra hay không.
- Địa điểm
Dù thương hiệu bạn nhận có lớn đến mức nào mà nếu chọn sai địa điểm thì mọi tiền bạc công sức cũng sẽ đi tong, thông thường thì việc lựa chọn địa điểm thì bên nhận nhượng quyền sẽ được bên chủ thương hiệu tư vấn kỹ càng về việc địa điểm. Vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của bên nhận nhượng quyền cũng như hình ảnh của bên chủ thương hiệu.
Nguồn: www.nowpos.vn
Minh Phương- ATP Software