Brands
Search
Search

KHÔNG NÊN XÂY DỰNG BỀ NỔI ?

Mục lục

Với nỗ lực của DN và các bộ, ngành, nhiều thương hiệu Việt đã gây dựng được niềm tin với đối tác và người tiêu dùng. Đặc biệt, có nhiều thương hiệu được định giá đến hơn 1 tỷ USD như Viettel, hay hàng trăm triệu đô la như Vinamilk… Song, đằng sau thành tích đó còn không ít hạn chế, bất cập.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Thương hiệu với hội nhập và phát triển xuất khẩu bền vững”, do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức hôm nay, ngày 20/4 tại Hà Nội.

Thương hiệu Việt đã xây dựng được niềm tin

Tại diễn đàn, đánh giá chung về thương hiệu quốc gia (THQG), thương hiệu của DN Việt, ông Thành cho biết, tính đến nay, Chương trình THQG đã thực hiện được 15 năm – con số tưởng chừng lớn song cũng chỉ mới bằng một nửa tiến trình cải cách của Việt Nam. Có sự so sánh như vậy để thấy được sự chậm trễ trong nhìn nhận vấn đề về thương hiệu quốc gia của cả cơ quan hữu quan cho đến DN.

“Tuy nhiên, có thể thấy với nỗ lực không ngừng nghỉ của DN và các bộ, ngành đến nay có rất nhiều thương hiệu Việt đã gây dựng được niềm tin đối với đối tác và người tiêu dùng. Đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều thương hiệu được định gia cao tới hơn 1 tỷ USD như Viettel, hay hàng trăm triệu đô la như Vinamilk, Hoà Phát…” – ông Thành nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết, 10 năm trở lại đây, các DN, nhất là DN lớn đã biết cách PR, đánh bóng tên tuổi qua rất nhiều hoạt động bề nổi từ việc tổ chức các sự kiện, tài trợ cho các hoạt động xã hội ý nghĩa, các cuộc thi, từ thiện hay đầu tư xây dựng công sở, trang bị đồng phục cho nhân viên…đến việc tạo logo, hình ảnh ấn tượng và quảng bá về DN. Theo đó đã có rất nhiều DN thành công như Trung Nguyên, Mai Linh, gốm sứ Minh Long, Bitexco, các ngân hàng như BIDV, ACB… Điều đó cũng đã giúp DN tạo ra được những ảnh hưởng nhất định đối với xã hội.

Các chuyên gia cũng đánh giá, DN Việt ngày càng chú trọng hơn đến việc tạo dựng hình ảnh và xây dựng thương hiệu cho mình. Ông Nguyễn Đức Thịnh – chuyên gia cố vấn Chương trình THQG cho biết, theo khảo sát đối với 300 DN từ năm 2015 – 2018 cho thấy, nếu như năm 2015 chỉ có 46% DN quan tâm đến xây dựng thương hiệu, thì đến nay con số này đã lên đến 64%. Rõ ràng, ý thức của DN về việc xây dựng thương hiệu ngày càng được nâng lên.

 thqg
 Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đa số DN chỉ chú trọng xây dựng thương hiệu bề nổi. Ảnh: Tố Uyên

Tỷ lệ thuận với điều đó là niềm tin của đối tác cũng như người tiêu dùng đối với thương hiệu Việt ngày càng tăng lên. Người Việt Nam ngày càng ưa chuộng dùng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam và kim ngạch, giá trị xuất khẩu cũng tăng lên nhanh chóng.

Đa số DN chỉ xây dựng thương hiệu theo chiều rộng

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Võ Chí Thành, nhiều năm qua nước ta hội nhập, hướng ra phát triển xuất khẩu và trên thực tế, Việt Nam đã có tốc độ tăng xuất khẩu cao nhất trong vòng 15 năm qua nhưng tốc độ và nhìn nhận về thương hiệu Việt song hành với xuất khẩu lại không tương xứng.

“Nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu rất lớn, nhưng vẫn chưa có được thương hiệu khiến giá trị gia tăng hàng hóa giảm đáng kể. Thậm chí, nhiều tên tuổi DN đã vượt qua khó khăn để có được một thương hiệu nhưng trong tích tắc lại bị tàn phá, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin và sự trung thực của sản phẩm Việt, con người Việt” – ông Thành chia sẻ.

Trăn trở về bài toán thương hiệu, ông Thịnh cho biết, cho đến thời điểm này không ít DN chưa hình dung đầy đủ về công cụ cạnh tranh cho mình. Khảo sát cho thấy, trong 300 DN trả lời câu hỏi về sử dụng công cụ nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh thì có 80% câu trả lời là tăng chất lương sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm… Câu trả lời tuy đúng nhưng chưa đủ, bởi một yếu tố vô cùng quan trọng nữa mà DN chưa gợi đến đó là cạnh tranh bằng thương hiệu.

Cũng theo ông Thịnh, xây dựng thương hiệu của đại đa số DN mới chỉ quan tâm tới chiều rộng là xây dựng thương hiệu ra bên ngoài, truyền thông ra khách hàng… chứ chưa có nhiều DN xây dựng nội bộ nên không ít DN đã bị sa sút thương hiệu nội bộ.

Mặt khác, “chúng ta vẫn chỉ nói nhiều đến xây dựng thương hiệu của DN, sản phẩm. Trong khi đó, xét ở tầm vĩ mô hay nền xuất khẩu quốc gia thì thương hiệu của DN không đứng độc lập mà cao hơn là cấp độ xây dựng thương hiệu cho ngành, nhóm DN, địa phương và quốc gia” – ông Thịnh nhấn mạnh.

Còn theo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), tư duy của nhiều DN chưa chủ động, mức độ hiểu biết còn hạn chế. “Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để DN thực sự ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm cũng như giá trị của DN, từ đó có bước đi đúng hướng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình”.

“Trên thực tế, mỗi DN có những thế mạnh và sức ép cạnh tranh khác nhau, có điều kiện khác nhau về mặt tài chính, năng lực quản trị, nền tảng xây dựng thương hiệu…Song, DN cần hiểu rằng không phải chỉ đến khi DN lớn mạnh mới cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu, mà đây là vấn đề cần được bàn đến ngay từ trong trứng nước và đồng hành cùng quá trình tồn tại, phát triển của DN. Đặc biệt, DN xây dựng thương hiệu cần đi vào chiều sâu, đừng chỉ dừng lại ở bề nổi” – ông Thịnh khuyến cáo.

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn