Brands
Search
Search

Cách Định Gía Thương Hiệu Theo Tiêu Chuẩn Tài Chính

Mục lục

Định giá thương hiệu theo tiêu chuẩn tài chính sẽ góp phần giảm thiểu thất thoát trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tránh thiệt hại cho doanh nghiệp trong cạnh tranh.

Giảm cảm tính khi định giá thương hiệu

Ông Đặng Xuân Minh – Tổng giám đốc AVM Việt Nam (công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp và đào tạo kiến thức kinh doanh) nhớ lại thời gian đầu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, do chưa có kinh nghiệm nên thường “bỏ quên” tài sản vô hình.

Khi đó, tức 10 năm trước, Công ty Kem Tràng Tiền được định giá 3 tỷ đồng, bao gồm cả tài sản và thương hiệu. Thế nhưng năm 2010, Kem Tràng Tiền được chuyển nhượng lại với giá 500 tỷ đồng, trong đó lợi thế đất và giá trị thương hiệu được các bên thỏa thuận ở mức 150 tỷ đồng.

Định giá thương hiệu ở Việt Nam vẫn còn cảm tính, các bên thường tự thỏa thuận. Vinashin vào thời điểm 2006 – 2008 đã phát triển như một tập đoàn kinh tế, nhiều công ty tư nhân được Vinashin góp vốn làm thương hiệu, với điều kiện Vinashin được hưởng 10 – 30% lợi nhuận, các điều khoản này hoàn toàn mang tính tự phát.

14368Brand 1514475646

Khúc mắc nảy sinh khi Vinashin đổi thành Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) vào năm 2013, nhiều công ty không muốn tiếp tục mang thương hiệu Vinashin nữa. Vấn đề này rất khó giải quyết, bởi vào thời điểm đó, Vinashin đã góp vốn ở các công ty lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng thực tế không góp bằng tiền mà bằng thương hiệu.

“Nhà nước cần ban hành những cơ sở pháp lý rõ ràng hơn về định giá thương hiệu, đặc biệt là định giá tài sản vô hình, phải có hướng dẫn chi tiết và tiêu chuẩn cụ thể” – ông Minh khuyến cáo.

Tài sản thương hiệu là một phần trong tài sản vô hình. Theo ông Đặng Xuân Minh, đối với những thương hiệu nhà nước quản lý phải cổ phần hóa thì việc quan trọng nhất là tổ chức đấu giá minh bạch và bán theo lộ trình để hạn chế việc hạ giá thấp tài sản thương hiệu. Đối với các tổ chức định giá, cũng theo ông Minh, cần đẩy mạnh các dịch vụ định giá thương hiệu. Nhà nước cần hỗ trợ để các nhà định giá tham gia các tổ chức định giá quốc tế.

Để thị trường định giá

Công ty định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) tuần trước đã công bố danh sách 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017, trong đó có Viettel, Vinamilk, nhưng so với thế giới vẫn rất nhỏ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 11,279 tỷ USD. Báo cáo 500 thương hiệu lớn nhất thế giới trong nhiều năm không có thương hiệu nào của Việt Nam.

Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 11,279 tỷ USD.

Theo ông Samir Dixit – Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Công ty Brand Finance, các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng nhiều hơn vào maketing để thúc đẩy bán hàng, chưa quan tâm nhiều đến thương hiệu và đó là “một sai lầm rất lớn”. Lời khuyên của ông Samir Dixit là doanh nghiệp nên chú trọng thương hiệu, đồng thời phải biết thương hiệu của mình được định giá bao nhiêu để có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Theo AVM, hiện nay khi định giá thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam, một số chỉ số phải tham khảo ở nước ngoài, một số chỉ số phải đưa ra ước lượng. Thêm nữa, gần đây Bộ Tài chính đã ban hành tiêu chuẩn định giá tài sản vô hình nhưng văn bản chưa đi vào đời sống bởi thiếu hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, pháp lý về cơ sở góp vốn xây dựng thương hiệu còn chưa rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng trong việc góp vốn thương hiệu do thiếu cơ sở tính toán.

Đang có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân đưa ra giá trị thương hiệu quá cao khi đàm phán để bán công ty cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói rằng các chủ doanh nghiệp Việt Nam đã kỳ vọng quá cao về tài sản vô hình, muốn hợp tác tốt thì phải xác định mức giá hợp lý để bên bán, bên mua cũng như các nhà đầu tư thấy có lợi.

“Để thị trường định giá là tốt nhất – ông Minh khuyến cáo – Rút kinh nghiệm từ những bài học trước đây, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bảo vệ thương hiệu, phát triển thương hiệu. Kế đến, cần lên kế hoạch M&A để có được thương hiệu nhánh”.

Định giá thương hiệu phát triển rộng trên thế giới từ 1980, khi đó tài sản vô hình của doanh nghiệp chiếm khoảng 20%, còn lại 80% là tài sản hữu hình. Đến nay, tài sản vô hình ngày càng quan trọng trong đánh giá giá trị của doanh nghiệp, chiếm tới 73% trong khi tài sản hữu hình chỉ chiếm 27%.

Theo quan sát của AVM, thị trường thương hiệu có nhiều thay đổi khi gần đây Nhà nước đưa ra những quy định về định giá tài sản vô hình, nhưng theo ông Minh, những giao dịch mua bán thương hiệu chưa nhiều.

Nguồn: brandsvietnam

Minh Phương- ATP Software