Số phận khó tin của nhà thiết kế Chanel
Một câu chuyện khó tin về cuộc đời cũng như về sự nghiệp thời trang của Gabrielle – «Coco» – Chanel, người đã “tái sinh” phụ nữ.
Gabrielle Bonheur Chanel chào đời ngày 19 tháng 8 năm 1883 ở Saumur, Maine-et-Loire (thuộc Angers, Pays de la Loire). Là con gái của Albert Chanel – một người bán hàng rong – cùng vợ là Jeanne Devolle, cô còn là chị cả của 5 đứa em: Julie và Antoinette, Alphonse, Lucien và Augustin. Sau cái chết của mẹ vào năm 14 tuổi, cha cô đã bỏ rơi 3 đứa con trai ở trang trại và 3 đứa con gái ở viện mồ côi Aubazine, ở Corrèze. Gabrielle Chanel ở viện cho đến năm 18 tuổi: chính ở đây, cô đã học được nghề may vá.
Sau khi rời viện mồ côi, Gabrielle đã thử vận với nghề thợ may, hằng ngày làm bạn với kim chỉ. Khi rảnh rang, cô ấy còn tham gia diễn kịch và hát trong các phòng trà, quán cà phê. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, người ta bắt đầu gọi cô ca sĩ này bằng nghệ danh «Coco», sau khi gây sự chú ý với một trong những bài hát tủ của mình: «Qui qu’a vu Coco?»* (tạm dịch: Có ai thấy Coco đâu không?)
Cô nàng chưa bao giờ được gọi là «quý cô» này đã rơi vào lưới tình với Etienne Balsan, một quý ông triệu phú và cũng là 1 chàng «playboy» vừa rời bỏ chức vụ sĩ quan để sống với niềm đam mê của bản thân là nuôi ngựa. Bên cạnh anh ta, cô khám phá ra sự xa hoa của tầng lớp thượng lưu và gặp gỡ được rất nhiều khách hàng tương lai của mình. Gabrielle đã thu hút nhiều khách hàng giàu sang bởi sự đơn giản, mộc mạc của cô. Sau này, cô ấy chia sẻ rằng đã học được một điều «Sự xa hoa, không phải trái ngược với cái nghèo hèn mà là trái ngược với sự tầm thường».
Năm 1909: Gabrielle Chanel mở xưởng thiết kế mũ đầu tiên trong 1 căn phòng nhỏ ở đại lộ Malesherbes, với người dì cùng tuổi Adrienne. Phong cách đơn giản nhã nhặn của cô đã nhanh chóng được phổ biến khắp Paris. Gần 1 năm sau, cô ấy tiếp tục mở cửa hiệu đầu tiên ở số 21 đường Cambon, quận 1 Paris, lấy tên « Chanel Modes ». Và sau đó tiếp tục mở thêm cửa hiệu ở Deauville năm 1913 và Biarritz năm 1915.
Chanel đi theo cảm hứng của bản thân chứ không hề bị cuốn theo trào lưu thời bấy giờ: cô ấy dần dần khám phá ra nét duyên dáng, quyến rũ của cơ thể phái nữ, cắt ngắn các váy đầm đi (nhưng không bao giờ cao hơn quá đầu gối vì cô cho rằng như thế thì xấu) và làm cho quần dài vốn gò bó trở thành 1 loại quần áo khá thoải mái và dễ vận động. Dáng vẻ hiện đại, mái tóc ngắn: thế là hình ảnh một phụ nữ kiểu mới được ra đời!
Chanel no.5
«Người phụ nữ không hương thơm là người phụ nữ không có tương lai». Năm 1921, Coco chuyển đến số 31 đường Cambon, cô đã quyết định sản xuất một loại nước hoa có thể gợi lên hình ảnh của riêng mình, sau đó chia sẻ ý tưởng đó với Ernest Beaux. Anh ta đã gợi ý cho cô 5 mùi hương và cô chọn hương thứ 5. Khi ấy, cô đã không ngờ rằng: Từ đây, loại nước hoa của thế kỉ 20 đã ra đời, và được bán chạy nhất thế giới đến tận 100 năm sau. Sau đó, khi cho ra bộ sưu tập thời trang vào ngày 5 tháng 5 (Tháng thứ năm của năm) cô đã bật mí rằng muốn đặt tên một cách đơn giản cho bộ sưu tập ấy bằng con số mang đến hạnh phúc này.
Ba năm sau, quý cô Chanel hợp tác với Pierre Werttheimer để thành lập nên công ty Nước hoa Chanel (la Société des Parfums Chanel) chuyên bán các loại dầu thơm và mỹ phẩm, tất nhiên sẽ là một chuỗi sản phẩm rất đặc biệt. Loại nước hoa thứ hai của cô được ra đời sau chiến tranh, mang số 19 – ngày sinh của cô.
Marilyn Monroe đã gần như trở thành đại diện cho loại nước hoa số 5 vào một ngày năm 1954. Một nhà báo tò mò chuyện cô nàng có mái tóc mềm mại này mặc gì khi ngủ, cô ấy đã trả lời: «Chỉ một vài giọt nước hoa No.5». Câu nói nổi tiếng này đã trở thành khẩu hiệu quảng cáo tuyệt nhất trong các quảng cáo thời bấy giờ.
Little Black Dress – LBD
Năm 1926, Coco cho ra mắt một chiếc đầm màu đen mà Vogue (tạp chí thời trang) coi đó như “đồng phục của người phụ nữ hiện đại”. Gabrielle Chanel đã giải thích: « Trong 1 buổi tiệc chiêu đãi, nếu người ta khen: Ôi chiếc đầm này đẹp thật! Có nghĩa nó đã thất bại. Nhưng nếu họ nói: Ôi người phụ nữ này thật đẹp! Lúc này chiếc đầm của cô gái đã thành công.»
Ngoài ra, trong số những sản phẩm không bao giờ lỗi thời được tung ra bởi nhà thiết kế Coco Chanel, còn có những bộ quần áo được cô may bằng vải jersey (vải có chất liệu là len, sợi cotton và sợi tổng hợp) kể từ năm 1919, và bằng vải tweed (được dệt từ những sợi len nhiều màu sắc và bề mặt hơi sần bằng kỹ thuật dệt vân chéo) kể từ năm 1924, sau đó là những bộ được đính trang sức mà cô đã phác thảo vào cuối những năm 30 và sửa lại sau 1954.
Coco cũng rất chú trọng vào các nút áo. Chúng thường được làm bằng kim loại vàng vì cô ấy lấy cảm hứng từ các nút áo trong bộ đồng phục của sĩ quan mà cô ấy thấy hồi còn nhỏ, hay những bộ đồng phục thủy thủ trên thuyền yacht. Trong tạp chí Lụa của Lyon số ra tháng 9 năm 1932, độc giả có thể đọc được những dòng này: «Việc trang trí bằng các nút áo là một điểm đặc biệt của nhà thiết kế này.»
Năm 1957 được xem là năm mà công sức của cô hoàn toàn được công nhận với giải Oscar về thời trang ở Dallas: Coco đã đạt được danh hiệu Nhà tạo mẫu có sức ảnh hưởng nhất thế kỉ 20. Đây cũng là năm mà cô ấy cho ra đời đôi giày sandale nổi tiếng có 2 màu be và đen.
Con đường tình yêu của Coco
Không như con đường sự nghiệp của mình, Chanel không hề hạnh phúc trong chuyện tình cảm…Arthur Capel (người Anh), còn gọi là «Boy», là một người bạn của Balsan, đã đánh cắp trái tim của cô, là người gợi lên cảm hứng và khuyến khích ủng hộ cô, nhưng cuối cùng lại cưới người khác, đó là quý bà Diane Wyndham (là quả phụ của một thuyền thưởng). Sau khi anh ta mất năm 1919, cô lại bị hấp dẫn bởi Grand Duc Dimitri Pavlovitch, mà cô đã gặp ở Biarritz. Mối quan hệ của họ chỉ kéo dài 2 năm.
Đó là thời kì huy hoàng của «Bel Respiro» (tạm dịch: Nguồn cảm hứng tuyệt mĩ), cô ấy cho Dimitri ở tại ngôi biệt thự Garches, cả gia đình cô ấy cùng nhà soạn nhạc tài năng Igor Stravinsky – người có cảm tình với cô. Chính cuộc gặp gỡ này đã làm cô bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong cách Nga trong các thiết kế của mình và vài năm sau, những ngày nghỉ thường xuyên ở Scotland với Duc Westminster cũng gây cảm hứng cho Chanel như vậy. Ở đó, cô đã tưởng tượng những bộ quần áo đầu tiên bằng vải tweed trong khi các thợ may người Pháp lúc bấy giờ đều cho rằng loại vải này kém chất lượng. Điều thú vị chính là nhà thiết kế của chúng ta đã bị thu hút bởi chính sự thô sần và các khuyết điểm của loại vải ấy.
Chiến tranh đã khiến cho các hoạt động của Coco bị tạm ngưng giữa chừng. Chanel đóng cửa hiệu năm 1939 và dành toàn bộ thời gian cho việc sản xuất nước hoa. Tại Paris (lúc này đang bị chiếm đóng), người ta cho bà ấy liên lạc với một sĩ quan Đức quốc xã phụ trách các dịch vụ tình báo Hans Gunther von Dincklage. Lịch sử đã ghi lại rằng bà được giao nhiệm vụ thuyết phục hòa bình giữa Anh và Đức: đáng tiếc là, cuộc thương lượng Chapeau de couture (tạm dịch: May mũ hay Modellhut theo tiếng Đức) đã thất bại. Cũng nhờ tình bạn với Winston Churchill, là người mà bà gặp khi là tình nhân của Duc de Wesminster, đã giúp bà tránh những buồn phiền quá mức sau ngày Giải Phóng. Sau đó, Coco đã quyết định chuyển đến sống ở Thụy Sĩ, chỗ gần Lausanne tận 10 năm.
Nhà tạo mẫu của Saumur đã «tỉnh giấc» vào năm 1954. Sự cạnh tranh của Christian Dior đã thúc giục Coco quay trở lại. Ở tuổi 71, bà mở lại cửa hiệu dưới sự thôi thúc của anh em nhà Wertheimer, những người vừa trở về từ Mỹ. Dù bộ sư tập đầu tiên không thật sự được chào đón nồng nhiệt và nhận phải nhiều lời phê bình, có ý làm lu mờ mức độ nổi tiếng và ảnh hưởng của bà, nhưng Coco không phản ứng lại, bà nói: «Thời trang rồi sẽ lỗi thời, nhưng phong cách thì còn mãi.» Bà không còn may đồ bằng vải tweed nữa và trở thành một trong những nhà gây dựng nên hình ảnh phái đẹp sau chiến tranh. Romy Schneider, Jackie Kennedy, Jeanne Moreau đã mặc những bộ quần áo do Coco thiết kế. Từ sau 1983, Karl Lagerfeld (phù thủy của ngành thiết kế) đã cam đoan chắc nịch về việc sẽ tiếp nối và phát triển phong cách của Gabrielle Chanel (bà mất năm 1971) và tiếp tục khoác những bộ quần áo ấy lên các nữ diễn viên hài kịch từ Paris cho đến Hollywood. Trùng hợp là: cũng vào năm đó, ba bộ phim nói về nhà thiết kế thiên tài đã được công chiếu trong các rạp và trên truyền hình. Ở bộ phim đầu tiên Coco avant Chanel (tạm dịch: Coco trước khi có Chanel), do nữ đạo diễn Anne Fontaine sản xuất: Audrey Tautou đóng vai nhà thiết kế khi mới vào nghề.
Chú thích
*Qui qu’a vu Coco? là một bài hát có nội dung rất dễ thương. Một cô gái có con chó cưng tên là Coco và nó đi lạc. Bài hát thể hiện tình cảm của cô chủ với con vật cưng.
Bài gốc: Chanel, l’histoire d’une maison de légende
Người dịch: Libellule
Nguồn: Viti Rouge