Tập trung vào bán hàng tăng doanh số hay xây dựng thương hiệu, cái nào cần làm trước hơn? Đây là câu hỏi 100% chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ thắc mắc.
Chả nhẽ cứ mải lo bán hàng suốt như thế có khác gì con buôn nhưng xây dựng thương hiệu lại vô cùng tốn kém, tiền đã ít thì chớ lại không có kiến thức. Sai một bước là ném tiền qua cửa sổ.
Thương hiệu nói một cách đơn giản sẽ như thế này: Khi bạn nhìn thấy đôi tai chuột bạn sẽ lập tức nghĩ đến Disney. Khi nghe đến câu “I’m lovin’ it”, bạn biết đó là McDonald’s. Đó chính là hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu mang lại. Nó khắc sâu nhận diện của một công ty vào tâm trí bạn.
Trong khi những công ty lớn có nhiều ngân sách để sử dụng vào việc xây dựng thương hiệu, thì doanh nghiệp của bạn gặp nhiều khó khăn. Với CEO thương hiệu là một khái niệm vô cùng trừu tượng và ảo diệu. Trở thành những cái tên đình đám như Coca cola trong ngành giải khát, Nike trong ngành thời trang thể thao, Apple trong thế giới Smartphone, McDonald’s trong thế giới đồ ăn nhanh, Mercedes-Benz trong dòng xe sang… là ước mơ quá xa vời.
Tôi là chủ một doanh nghiệp nhỏ, tôi có nên chi tiền để xây dựng thương hiệu không?
Câu trả lời là CÓ. Thương hiệu quan trọng và cực kỳ cần thiết với doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên các chủ doanh nghiệp nên nhớ, khi sản phẩm chưa ổn đừng vội làm thương hiệu.Sản phẩm có trước, thương hiệu có sau. Không có chuyện ngược lại. Sản phẩm tồi mà thương hiệu rầm rộ nhiều khi tệ hơn là không làm gì. Tiền đã ít, làm như thế là đốt tiền.
Sản phẩm của tôi tốt, doanh số bán hàng rất cao liệu có cần phải xây dựng thương hiệu?
Rất cần!
Sản phẩm tốt mà không biết làm thương hiệu thì khác gì “áo gấm đi đêm”. Đối với sản phẩm tốt, truyền miệng từ những người đã dùng rất quan trọng. Nhưng các đối thủ cũng sản phẩm tốt chẳng kém thì làm sao? Lúc đó chiến thắng thuộc về người biết làm thương hiệu một cách bài bản, biết vận dụng những quy luật và nguyên tắc có sức mạnh tạo sự thay đổi.
Mình ít tiền, làm thương hiệu thế nào?
Hãy sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan, làm thương hiệu đánh rẻo theo kiểu “du kích”. Không cần đao to búa lớn, hãy dùng 10 mật mã sau, nó không tốn kém nhưng thực sự hiệu quả khi làm brand cho doanh nghiệp của bạn:
Bắt đầu với việc xây dựng tên và logo hợp lý
Chọn một cái tên và thuê thiết kế logo bài bản ngay từ đầu. Tên và logo đơn giản, dễ nhận biết và đăng ký bản quyền cho logo công ty.
Tuyệt đối không bắt chước thương hiệu của các “ông lớn”
Chẳng ai thích hàng nhái cả, dù ít hay nhiều. Hãy xây dựng một hình ảnh nguyên bản và độc đáo. Khách hàng bây giờ tinh tế lắm. Ngửi mùi hàng “fake” họ sẽ nhận ra ngay. Khác biệt thương hiệu tạo nên sự tin tưởng.
Hình ảnh thương hiệu phải nhất quán
Logo, card visit, email quảng cáo và những ấn phẩm khác đều phải nhất quán để khách hàng nhìn vào là họ nhận ra ngay.
Chọn đúng khách hàng mục tiêu
Chắc bạn đã biết đến quy tắc 80/20: 80% lợi nhuận đến từ 20% khách hàng. Xác định đúng khách hàng mục tiêu là nhiệm vụ sống còn của bạn.
Xây dựng niềm tin
Hãy trung thực bằng cách nói rõ với khách hàng bạn là ai và bạn có thể thực sự mang lại điều gì cho khách. Đừng tô vẽ hay thổi phồng doanh nghiệp của bạn dù chỉ một chút. Đó là điều tối kỵ.
Phục vụ hoàn hảo
Quảng cảo truyền miệng, sức mạnh bất diệt làm thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ. Sản phẩm của bạn tốt, hãy cam kết dịch vụ đi kèm cũng phải thật hoàn hảo. Bạn cho khách hàng sung sướng và hạnh phúc, họ sẽ tự nguyện làm đại sứ thương hiệu cho bạn.
Có một giá trị khác biệt
Khách hàng đánh giá rất cao giá trị khác biệt trên sản phẩm. Có được điều này doanh nghiệp bạn sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tương tác thật nhiều với khách hàng
Mạng xã hội bùng nổ, tương tác với khách hàng không chỉ là gặp trực tiếp hay gọi điện thoại nữa,Youtube, Facebook, Zalo…là công cụ hiệu quả rút ngắn khoảng cách với khách hàng. Cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm là cách tốt để hình ảnh doanh nghiệp bạn dần đi vào trái tim khách hàng.
Mỗi nhân viên là một đại sứ thương hiệu
Nhân viên chứ không phải là bạn, họ chính là người tiếp xúc với khách hàng nhiều nhất. Vì vậy họ cần được đào tạo bài bản về thương hiệu công ty, giới thiệu sản phẩm chính xác và hiệu quả nhất đến mọi đối tượng khách hàng.
Làm thương hiệu không phải là chuyện gì quá to tát. Nếu bạn là CEO hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, từ những chi tiết cụ thể và từ cách suy nghĩ thực tế của chính bạn. Trong cuộc chiến thương hiệu, không tuyên chiến với người khổng lồ, nhỏ mà có võ mình là cá bé hãy luồn lách khôn ngoan.
Nguồn tham khảo: http://phamngocanh.com