Brands
Search
Search

BÀI HỌC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CỦA 10 NHÃN HÀNG GIÁ TRỊ NHẤT NĂM 2016

Mục lục

Nếu bạn là một người kinh doanh mới hoặc còn mơ hồ về việc xây dựng thương hiệu của bản thân thì hãy xem qua kinh nghiệm của 10 thương hiệu lớn sau để có góc nhìn sáng hơn cho việc định hình thương hiệu của mình nhé.

Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016

Top10brandVn 1482295402

Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016 (báo cáo Brand Finance).

Để quyết định độ mạnh của một thương hiệu, các nhà phân tích của Brand Finance đã phát triển thang đo độ mạnh thương hiệu bằng cách phân tích những khoản đầu tư vào marketing, vốn thương hiệu (những lợi thế thương mại tích lũy được với khách hàng, nhân viên và các cổ đông khác).

Theo bảng xếp hạng này, Vinamilk, Viettel và Mobifone vẫn giữ vững được vị trí sau 1 năm. Petrolimex đã vươn lên 2 bậc để xếp vị trí thứ 3. Đáng chú ý là trong năm nay có thêm sự xuất hiện của Masan và Sabeco – hai thương hiệu hàng tiêu dùng nổi lên lấn sân của hai ngân hàng là BIDV và Vietcombank.

Học gì từ cách họ làm thương hiệu?

1. Xây dựng thương hiệu dựa trên tinh thần Việt

Năm 2016 là một năm đáng nhớ của Vinamilk với nhiều chương trình và sự kiện kỉ niệm 40 thành lập như ‘’Ươm mầm tài năng’’ hay chiến dịch ‘’ 6 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam’’… Bên cạnh đó, Vinamilk đã chi 7 tỷ đồng dành cho quỹ từ thiện ‘’Cùng Vinamilk vươn tới trời cao’’ dành cho trẻ em khuyết tật, mồ côi. Mọi hoạt động đều đi theo concept chung của nền tảng thương hiệu, hứa hẹn sẽ còn đưa thương hiệu Vinamilk vươn cao thêm nữa cùng trẻ em Việt.

2. Đầu tư vào nhận diện thương hiệu

Sabeco hiện là doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam với thị phần lên tới 43%, bỏ xa các đối thủ bám đuổi như Heineken, Habeco, Carlsberg, Sapporo… Thống kê mới nhất từ Sabeco, con số kết quả kinh doanh trong 11 tháng đầu năm đầy ấn tượng khi doanh thu hợp nhất (không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) của Sabeco trong 11 tháng đầu năm lên tới 28.298 tỷ đồng, giúp nâng mức lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp lên 5.035 tỷ đồng và vượt 13% so với kế hoạch của cả năm 2016.

Sabeco 1482295495

Thương hiệu Sabeco . Ảnh: Google.

Có được thành tích đáng tự hào này là kết quả của việc thực hiện đúng hướng các chiến lược về thương hiệu – từ việc xây dựng lại hệ thống nhận diện thương hiệu, đổi mới và nâng cấp hình ảnh logo và các thông điệp theo hướng chuyên nghiệp và chuyên sâu, quản lý các nhãn riêng biệt sao cho vẫn giữ được những nét ưu điểm truyền thống nhưng đã thể hiện được tính năng động, thân thiện và hiện đại phù hợp với xu thế phát triển chung. Nhận diện mới được triển khai từ năm 2009, qua 6 năm đã chứng minh được hiệu quả, đem đến cho người tiêu dùng những cảm nhận tích cực về một doanh nghiệp đang quyết tâm thay đổi và không ngừng vươn lên phát triển một cách toàn diện. Liên tiếp trong 5 năm vừa qua, Sabeco đã được vinh danh trong chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, tăng trưởng hết sức tích cực với doanh thu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

3. Sự nhất quán trong hình ảnh thương hiệu

Hệ thống nhận diện Petrolimex.

Với quyết tâm xây dựng Petrolimex thành tập đoàn kinh tế mạnh và năng động, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới Petrolimex trong toàn hệ thống, từ Công ty Mẹ – Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đến các công ty con – đơn vị thành viên Petrolimex tại Việt Nam và tại nước ngoài.

Nhận diện mới Petrolimex là sự phát triển kế thừa các giá trị cốt lõi quý báu, phát huy các tính cách tốt đẹp của nhận diện trước đây và thể hiện tầm nhìn “để tiến xa hơn”. Bên cạnh việc áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới, Petrolimex tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp, vận hành chương trình quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), rà soát các quy trình quy phạm, hoàn thiện công tác quản lý; kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín, hình ảnh, thương hiệu Petrolimex. Có thể thấy trong bảng xếp hạng trên thì giá trị thương hiệu của Petrolimex chiếm tới 28% giá trị doanh nghiệp – một tỉ lệ khá cao.

4. Hướng ra biển lớn từ lợi thế cạnh tranh lõi

Việc xây dựng nền tảng này ngay từ khi bắt đầu có thể giúp gì cho doanh nghiệp? Câu trả lời đơn giản là có thể giúp doanh nghiệp đi xa hơn, dài hơn, thậm chí là tiến nhanh hơn trên con đường phía trước. Có thể lấy ví dụ từ thành công của Viettel. Không phải người bắt đầu sớm nhất trên thị trường, nhưng đã trở thành hãng viễn thông lớn nhất Việt Nam, nay Viettel đã đầu tư ra tới 9 thị trường nước ngoài (gồm Lào, Campuchia, Đông Timor, Cameroon, Haiti, Mozambique, Burundi, Peru, Tanzania) trong đó Lào, Campuchia đang là những “con gà đẻ trứng vàng” của Viettel. Với phương châm “nâng tầm nền viễn thông”, Viettel chọn đúng những thị trường chưa phát triển để tiếp tục tận dụng và khai thác được thế mạnh sẵn có của mình và tránh được nguy cơ đến từ việc thị trường trong nước đã bão hòa.

Viettel 1482295558

Các thương hiệu của Viettel tại thị trường nước ngoài. Ảnh: Google.

5. Mở rộng thương hiệu như Masan

Cũng là một doanh nghiệp vươn ra mạnh mẽ trên thị trường quốc tế nhưng với rất nhiều sản phẩm đa dạng – không đơn thuần một loại sản phẩm dịch vụ như sữa hay viễn thông, Masan có cách riêng của mình để quản lý và phát triển danh mục hàng tiêu dùng của mình. Masan Consumer Holdings (MCH) chính là bàn đạp để mở rộng tầm với của Masan trong các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng. MCH sẽ bao gồm 2 “trụ” là Masan Consumer và Masan Consumer Ventures (MCV). Masan Consumer sẽ chỉ tập trung vào các ngành cốt lõi là thực phẩm và đồ uống. Trong khi đó, nhân tố mới MCV sẽ mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến thị trường tiêu dùng, nơi mà thương hiệu và phân phối đóng vai trò quyết định thắng bại trong kinh doanh (như bán lẻ).

Masan 1482295606

Các sản phẩm của Masan Consumer. Ảnh: Google.

Khi tìm đường ra biển lớn, ông chủ Masan đã có tư duy hoàn toàn khác biệt: “Tại sao Masan chỉ sản xuất mì ăn liền cho một cộng đồng 200.000 người Việt ở Nga mà bỏ quên một thị trường lớn chưa được khai thác với 150 triệu người Nga”. Và thế là Masan đã tự mở ra thị trường cho mình, xuất khẩu tương ớt sang Nga và dạy người Nga cách ăn tương ớt như người Việt.

Khi mở rộng dòng nước mắm Chin-Su Yod Thong (Chin – Su Giọt vàng) tại thị trường Thái Lan, Masan đã biết phát triển sản phẩm phù hợp với văn hóa và khẩu vị địa phương: gặp các chuyên gia để hiểu về lịch sử và vai trò của nước mắm trong ẩm thực Thái; học cách nấu món ăn Thái bởi đầu bếp Thái; cùng sống, cùng ăn với các gia đình người Thái để hòa nhập vào văn hóa và ẩm thực với người tiêu dùng Thái. Trên nền tảng này, Masan đã phát triển ra một loại nước mắm dành cho người Thái.

Từ một vị thế còn khá khiêm tốn ở Việt Nam mới chỉ cách đây 6-7 năm, tới nay Masan đã vươn lên ngoạn mục với giá trị thương hiệu lên tới 305 triệu USD.

Qua bài viết này,hi vọng đem đến cho doanh nghiệp nguồn cảm hứng và gơi ý cho việc xây dựng thương hiệu thật thành công trong năm tới. Để nhận thêm các tư vấn chuyên sâu, bạn có thể liên hệ với các chuyên gia thương hiệu của chúng tôi.

Nguồn: http://www.brandsvietnam.com