Năm 2018, ngành marketing đã chứng kiến một số xu hướng lớn dựa trên nền tảng khách hàng, cộng đồng và video quảng cáo. Năm nay, Tạp chí Tech in Asia đã đưa ra 4 xu hướng marketing đáng chú ý trong năm mới 2019. Mời các bạn cùng theo dõi.
1. Cuộc cách mạng tìm kiếm
Tìm kiếm văn bản thuần túy sẽ nhường chỗ dần cho tìm kiếm bằng hình ảnh trực quan (visual search) và tìm kiếm từ giọng nói (voice search). Điều này có thể không mấy ngạc nhiên, bởi theo một báo cáo của Slyce cho thấy, 74% người mua hàng nhận thấy việc tìm kiếm bằng văn bản thuần túy sẽ là không đủ khi tìm sản phẩm.
Visual search – tìm kiếm trực quan, là nơi hình ảnh được tải lên internet để lọc ra kết quả chính xác hơn, đã được các công ty như Pinterest và Google áp dụng khá thành công. Pinterest là ứng dụng cho phép người dùng sử dụng hình ảnh để tìm kiếm các nội dung liên quan. Hồi tháng 2/2018, ứng dụng này thu hút lượng người dùng tăng gấp đôi so với 6 tháng trước đó.
Đối với voice search – tìm kiếm bằng giọng nói, người dùng nhập lệnh bằng lời nói cho trợ lý ảo – chẳng hạn Alexa và Siri – và chờ phản hồi các thông tin liên quan. Các dự đoán về việc sử dụng tính năng này trong tương lai rất khả quan. Theo dự đoán của ComScore thì vào năm 2020, một nửa số lượt tìm kiếm sẽ là tìm kiếm bằng giọng nói.
74% người mua hàng nhận thấy việc tìm kiếm bằng văn bản thuần túy sẽ là không đủ khi tìm sản phẩm. Ảnh: Pinterest.
Tại sao xu hướng này lên ngôi?
Một trong những yếu tố thúc đẩy xu thế này là sự gia tăng tỷ lệ thâm nhập điện thoại di động tại châu Á. Mọi người đang online ngày càng nhiều hơn bằng smartphone thay vì dùng máy tính như trước đây. Điều này đã đơn giản hóa quá trình tìm kiếm khi hình ảnh được chụp và tải trực tiếp từ thiết bị di động chỉ trong vài giây, thay vì phải chuyển sang máy tính để bàn như trước.
Người tiêu dùng cũng đang có nhiều lựa chọn hơn nhờ tốc độ số hóa của ngành bán lẻ trực tuyến. Tìm kiếm bằng hình ảnh và giọng nói trở thành công cụ thay thế hiệu quả hơn tìm kiếm văn bản, đặc biệt với khả năng tìm ra kết quả (gần) giống nhất.
Doanh nghiệp bắt kịp xu hướng bằng cách nào?
Dữ liệu có cấu trúc là chìa khóa quan trọng trong việc tận dụng tiềm năng của tìm kiếm bằng hình ảnh và giọng nói. Các doanh nghiệp nên cung cấp các thông tin chi tiết như giá cả và tính sẵn có của sản phẩm cho các công cụ tìm kiếm để tối ưu hóa tỷ lệ nhận biết hàng hóa trực tuyến trên các công cụ này. Điều này đặc biệt quan trọng trong tìm kiếm bằng giọng nói, bởi chỉ có kết quả hàng đầu mới được hồi đáp đến khách hàng.
Doanh nghiệp cũng nên sử dụng và triển khai các cụm từ khóa dài (cụm từ chứa từ 3-5 từ và thường chứa các từ khóa quan trọng) bởi mức độ cạnh tranh sẽ thấp hơn, giúp tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn và tăng khả năng được click. Tìm kiếm bằng giọng nói có xu hướng ngẫu nhiên và chi tiết hơn tìm kiếm bằng văn bản, bởi vì mọi người nói chuyện với trợ lý giọng nói cũng giống như cách họ trò chuyện với bạn bè.
Đối với các tìm kiếm trực quan, mấu chốt nhất là việc mô tả. Đặt tên và các văn bản thay thế của website và hình ảnh nên được mô tả càng chi tiết càng tốt. Ngoài ra, hình ảnh phải được gắn thẻ alt-tag và chú thích để cung cấp thông tin.
Schema markup, một dạng data siêu nhỏ được thêm vào HTML của trang web, sẽ là điểm khác biệt. Với việc sử dụng văn bản tối thiểu trong các tìm kiếm trực quan, nó có thể trở thành nguồn thông tin văn bản duy nhất cho các công cụ tìm kiếm phân tích.
2. Hiểu được “micro-moment”
(Micro-moment: Khoảnh khắc tức thời – áp dụng cho những nhu cầu phát sinh bất chợt)
Có hàng trăm khoảnh khắc mỗi ngày, khi chúng ta kiểm tra giờ giấc, nhắn tin với bạn bè hoặc người thân hay kết nối với người quen trên mạng xã hội. Một vài khoảnh khắc sẽ thực sự khác biệt so với phần còn lại, đó là khi bạn có nhu cầu mạnh mẽ: “Tôi muốn biết…”, “Tôi muốn đi tới…”, “Tôi muốn làm…”, “Tôi muốn mua…”. Những khoảnh khắc này còn được gọi là “micro moment” – khoảnh khắc tức thời, xảy ra khi chúng ta hành động dựa trên nhu cầu: muốn học hỏi, muốn làm, muốn khám phá, xem xét hay mua một thứ gì đó.
Cuộc chiến thu hút sự chú ý của người tiêu dùng hiện nay chính là hướng đến việc giành giật các “micro-moments” – khoảnh khắc tức thời – càng nhiều càng tốt. Khái niệm này được Google giới thiệu từ năm 2015, đó là những khoảnh khắc tức thời khi mọi người chuyển sang sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để học tập, làm việc, xem xét, mua sắm hay khám phá thứ gì đó.
Quyết định của người tiêu dùng sẽ được định hình bởi những khoảnh khắc nhất thời – tôi muốn biết ngay/đi ngay/làm ngay/mua ngay. Ảnh: Google.
Năm 2018, hơn 61% lượt xem các trang web ở châu Á đến từ điện thoại di động. Giờ đây, người tiêu dùng đòi hỏi kết quả cần nhanh và chuẩn. Họ yêu cầu rất cao với việc cá nhân hóa các trải nghiệm kỹ thuật số, nếu không đạt được điều đó, họ sẽ nhanh chóng chuyển sang tìm kiếm tiếp theo.
Tại sao xu hướng này lên ngôi?
Nhân loại đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào điện thoại di động. Sự phổ biến của thiết bị này đã thúc đẩy sự tiện lợi, hiệu quả và tốc độ của các dịch vụ mua sắm online, dung dưỡng hành vi tiêu dùng theo yêu cầu.
Khách hàng ngày nay muốn biết nhiều hơn các thông tin cơ bản về sản phẩm, họ tìm kiếm cả những lời phê bình, đấnh giá từ những người đã từng trải nghiệm sản phẩm và thương hiệu đó, trước khi đưa ra quyết định.
Những điều này giúp làm giảm rủi ro mua hàng kém chất lượng và tránh gặp phải nỗi thất vọng tiềm tàng. Theo Khảo sát của Local Consumer 2018, 95% những người trong độ tuổi 18-34 tìm kiếm và đọc các đánh giá online về các doanh nghiệp địa phương. Tính trung bình, người tiêu dùng thường đọc khoảng 10 đánh giá online trước khi tin tưởng rằng một công ty là đáng tin cậy.
Doanh nghiệp bắt kịp xu hướng bằng cách nào?
57% người dùng tiết lộ họ sẽ chỉ tin dùng các công ty có đánh giá từ 4 sao trở lên, điều này cho thấy sự phụ thuộc nặng nề vào các đánh giá trực tuyến. Các công ty nên đầu tư marketing vào việc đánh giá và khuyến khách hàng để lại các đánh giá, cũng như hồi đáp một cách hợp lý lại các phản hồi tiêu cực của khách hàng.
Xu hướng này gia tăng bởi mọi người đang ngày càng sử dụng nhiều những khoảng thời gian online ngắn. Doanh nghiệp bởi vậy cũng phải thích nghi với những môi trường có nội dung ngắn và có phần phù phiếm như Snapchat, Instagram và Facebook Stories – những nơi nội dung sẽ biến mất sau 24 giờ. Đây chỉ là một số ví dụ về cách các công ty có thể sử dụng các nền tảng để “kể chuyện trong những khoảnh khắc tức thời”.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần đáp ứng một trải nghiệm mua hàng xuyên suốt để gia tăng mức độ sẵn lòng mua hàng của người dùng. Về cơ bản, các doanh nghiệp nên tự hỏi chính mình có thể làm gì đáp ứng việc này nhanh chóng, chính xác và đơn giản cho khách hàng của mình.
3. Sự phát triển của quảng cáo tự nhiên
Quảng cáo tự nhiên (Native Ads) là dạng chiến dịch truyền thông được trả phí để phù hợp với giao diện và nội dung của một trang web. Quảng cáo dạng này hiển thị phù hợp với ngữ cảnh mà người dùng đang trải nghiệm sao cho họ cảm thấy tự nhiên nhất và đôi khi không nhận ra đây là quảng cáo. Bài viết chứa một tiêu đề và mô tả để lôi kéo người dùng click vào, từ đó dẫn họ đến một số dạng nội dung được tài trợ.
Quảng cáo tự nhiên bao gồm quảng cáo dạng in-feed, liệt kê danh sách tài trợ (promoted listings) và quảng cáo tìm kiếm được trả phí (paid search ads).
80% người dùng cảm thấy tích cực về quảng cáo tự nhiên, 17% trung tính và chỉ 3% cảm thấy tiêu cực. Ảnh: Native Advertising Institute.
Tại sao xu hướng này lại tăng?
Theo một báo cáo năm 2017, 54% các công ty đang sử dụng quảng cáo tự nhiên, trong khi 38% có thể sẽ sử dụng cách thức này trong tương lai.
Người tiêu dùng cũng có vẻ khá hoan nghênh sự hiện diện của loại hình quảng cáo này. Mặc dù ai cũng sẽ hoài nghi về tính xác thực của nội dung được tài trợ, nhưng người dùng sẽ không cảm thấy như vậy khi bài quảng cáo phối kết hợp tốt với nội dung các bài viết khác trên trang web.
Hơn nữa, quảng cáo tự nhiên có thể tiếp cận đối tượng rộng hơn bằng cách phá bỏ được các trình chặn quảng cáo, đang được sử dụng ở hơn 615 triệu thiết bị. Tuy nhiên quảng cáo tự nhiên lại không bị các trình chặn này phát hiện.
Làm sao để doanh nghiệp bắt kịp xu hướng?
Một trong những điều quan trọng đối với các nhà tiếp thị đó là “giáo dục” khách hàng về các sản phẩm để họ hiểu hơn về thương hiệu, đồng thời cũng cần đảm bảo điều này được thực hiện một cách chân thực và hấp dẫn.
Để là được điều đó, doanh nghiệp cần tiếp cận nơi khán giả đến và xây dựng niềm tin ở họ. Điều này có thể thực hiện thông qua các nội dung tương tác như phỏng vấn cá nhân hay video. Quan trọng nhất là phải tạo ra được cảm xúc chân thực.
4. Influencer marketing – marketing qua người ảnh hưởng
Năm 2016, các chi tổng cộng 81 tỷ USD cho marketing qua người ảnh hưởng, và con số đó dự đoán sẽ đạt 101 tỷ USD vào năm 2020.
Marketing qua người ảnh hưởng sẽ tiếp tục là động lực cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt là trên phương tiện truyền thông xã hội. Sự gắn kết ba bên giữa các thương hiệu, người ảnh hưởng và người tiêu dùng vốn không có gì là mới, nhưng giờ đây mối quan hệ này đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi.
Năm 2016, các thương hiệu chi tổng cộng 81 tỷ USD cho marketing qua người ảnh hưởng, và con số đó dự đoán sẽ đạt 101 tỷ USD vào năm 2020. Ảnh: Influencer Orchestration Network.
Tại sao xu hướng này lại tăng?
Nhờ sự phổ biến của các phương tiện truyền thông xã hội, người tiêu dùng đang tiếp xúc ngày càng gần hơn với những người có tầm ảnh hưởng, những người thường làm việc và ảnh hưởng trong một số thị trường phù hợp tương ứng, chẳng hạn như thể dục, làm đẹp, ẩm thực…
1/3 những người trong thế hệ millennial và Gen Z tiết lộ họ tin tưởng những gì một người có ảnh hưởng nói về thương hiệu, hơn là những điều thương hiệu đó tự quảng bá về mình. Phần doanh thu kỳ vọng mà doanh nghiệp có thể thu về mức ROI (tỷ suất doanh thu trên vốn đầu tư) lên đến hơn 600%, trung bình mỗi 1 USD chi phí cho marketing người ảnh hưởng mang về 6,5 USD doanh thu.
Làm sao để doanh nghiệp bắt kịp xu hướng?
Với tất cả những ích lợi của mình, mức độ hiệu quả của phương thức marketing này phụ thuộc phần lớn vào sự phù hợp giữa thương hiệu và người ảnh hưởng. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải làm việc với những người thực sự am hiểu về lĩnh vực và sản phẩm, có mối quan hệ tương tác với những người theo dõi họ. Nếu không, việc marketing qua người ảnh hưởng có thể phản tác dụng.
Ngoài ra sự gia tăng các tài khoản ảo trong thời gian gần đây cũng cần chú ý. Các doanh nghiệp phải thẩm định kỹ lưỡng. Cần chú ý thẩm định các tài khoản có tỷ lệ tương tác thấp mặc dù có số người theo dõi cao và các bình luận không liên quan hoặc spam.
Luôn dẫn đầu trong cuộc đua marketing
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nếu chỉ đơn thuần nhận thức các xu hướng mới này là không đủ. Yếu tố then chốt chính là thời gian, các doanh nghiệp phải học cách nhập cuộc sớm để tạo dấu ấn trong một thị trường gần như đã bão hòa.
Quan trọng hơn, các công ty giờ đây cũng cần phải tự tìm đến với các khách hàng của mình, xây dựng niềm tin và sự chuẩn xác trong quy trình làm việc, từ đó tạo được lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu.
* Nguồn: Trí thức trẻ