Brands
Search
Search

89% khách hàng Việt vẫn đang tin dùng hàng nội địa

Mục lục

Nhiều người tiêu dùng cho biết họ không còn mê hàng giá rẻ như trước.

Kết quả cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam, với tỷ lệ người tiêu dùng vẫn yêu thích và thường mua dùng lần lượt là 89% và 93%.

Trong khi với hàng ngoại nhập, tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích qua 3 năm khảo sát lại cao hơn tỷ lệ mua dùng. Điều này có nghĩa, trong tương lai, các sản phẩm ngoại nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…sẽ có nhiều cơ hội hơn khi khả năng chi tiêu phát triển.

“Có những doanh nghiệp nội địa đang làm lại chiến lược thị trường. Họ có xu hướng chủ động giảm độ rộng danh mục sản phẩm, tập trung hơn cho những ngành chuyên sâu và co cụm địa bàn phân phối”, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định về xu hướng đầu tư vào “chất” thay vì “lượng” để giữ niềm tin và cạnh tranh với hàng ngoại của doanh nghiệp trong nước.

17734NTD 1550131655

Người tiêu dùng đang chọn mua rau củ tại một phiên chợ thực phẩm sạch. Ảnh: Viễn Thông.

Yếu tố chất lượng, do người tiêu dùng cảm nhận như ngon/hợp khẩu vị; bền/chất liệu tốt, và tính an toàn khi sử dụng đang được quan tâm nhất. Tiếp theo là các yếu tố như: thông tin sản phẩm rõ ràng, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng. Các yếu tố giá cả, khuyến mại chỉ còn sức hút với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng và không còn là yếu tố lựa chọn tiên quyết.

Về kênh mua sắm, siêu thị là nơi được người tiêu dùng thường đến nhất khi chọn mua nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng. Kế đến là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa hộ gia đình. “Gần đây có xu hướng các cửa hàng tạp hóa hộ gia đình trưng bày hiện đại như siêu thị mini nhưng cách bán lại bình dân, dễ chịu. Lối thay đổi này của các gia đình kinh doanh tạp hóa đang được ủng hộ ở nhiều khu phố”, bà Hạnh nói.

Với chợ truyền thống, tuy có giảm vị thế ở một số mặt hàng, nhưng kênh này vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống. Kênh trực tuyến dù đứng cuối bảng, nhưng vẫn cho thấy xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử… hầu hết phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trẻ.

Cuộc điều tra năm nay tiến hành trong 3 tháng, phỏng vấn trực tiếp 12.000 hộ gia đình và 5.400 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố thuộc 4 vùng kinh tế gồm miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Ngoài ra, ban tổ chức còn thăm dò online bằng ứng dụng, thu được gần 4.000 ý kiến trả lời khắp cả nước.

* Nguồn: VnExpress

Minh Phương- ATP Software